Mắm Tép Ba Làng – Mịn, mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đạm, không mặn chát
Mắm Tép Ba Làng thuộc vùng Tĩnh Gia Thanh Hóa từ lâu đã nổi tiếng với truyền thống ủ mắm lâu đời, chất lượng mắm luôn được đánh giá tốt nhất trên cả nước, với đặc điểm : Mịn, không còn muối hạt, sệt, có thể vun thành khối sau đó xẹp dần, có mùi thơm của mắm tép chín, vị ngọt của đạm, không mặn chát.
Mắm tép Ba Làng rất được ưa chuộng trên cả nước, được người tiêu dùng tin tưởng vì luôn giữ được chất lượng tốt, hương vị tự nhiên. Bạn có thể đổi khẩu vị cho cả gia đình trong những ngày thời tiết mát mẻ như làm mắm tép chưng thịt băm, thịt ba chỉ kho mắm tép, hoặc pha chấm với đồ luộc, rất kích thích ăn uống. Mắm tép chưng thịt băm luôn là sự lựa chọn tuyệt vời của mẹ dành cho các bé.
Mắm tép Ba Làng: Đặc sản xứ Thanh
Nói đến mắm tép Ba Làng, người dân cả nước ai cũng đều biết đến vì truyền thống sản xuất lâu đời, hương vị mắm tự nhiên. Không chỉ nồi tiếng trong nước, mà thị trường nước ngoài, đặc biệt các nước Châu Á cũng rất ưa chuộng sản phẩm này. Sản phẩm hiện đã có trên kệ Siêu Thị của các nước như Nhật Bản, Thái Lan, Hồng Kông, Hàn Quốc… Ở các nước Châu Âu, kiều bào Việt Nam cũng rất yêu thích, sản phẩm cũng đã được một số tiểu thương đưa sang bán tại Anh, Đức, Mỹ…
Hiện nay, làng nghề gồm 3 làng: Xuân Tiến, Quang Minh và Hải Thượng xã Hải Thanh – Tĩnh Gia đang phát triển rất mạnh do nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Sản phẩm đã có tiếng trên thị trường và ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Mắm tép Ba Làng không sử dụng bất kỳ chất điều vị nào, mà chủ yếu tận dụng sự tinh khiết của nguyên liệu tép (moi). Điều này đã giúp cho Ba Làng luôn giữ vững thương hiệu, khẳng định vị trí của mình trên thị trường. Để có được loại mắm thơm ngon, quy trình chế biến cũng như chọn nguyên liệu rất chặt chẽ.
Con tép (moi) để sản xuất mắm tép Ba Làng cũng phải là loại moi tươi, chất lượng tốt, được chọn lọc kỹ càng. Tép (moi) sau khi được tuyển chọn sẽ pha theo tỷ lệ 30% muối biển, 70% tép tươi, đem trộn đều rồi ủ trong các chum, vại với hình thức: “Nắng thì mở, mưa thì đậy”.
Trong quá trình ủ thì khâu đảo trộn rất quan trọng. Khi trộn phải chú ý, sao cho tép thấm muối thật đều. Trời nắng sẽ mở chum vại ra phơi cho mắm được nắng, ngấu và chín kỹ. Trời mưa phải đậy kín tránh để nước mưa lẫn vào. Nước mưa vào sẻ làm hỏng mắm, làm đen mắm khiến mắm mất màu đặc trưng. Do đó để tạo ra được một mẻ mắm vừa thơm ngon, vừa có màu sắc đặc trưng người dân đã rất vất vả để bảo quản tốt từng chum mắm gia truyền.
Điều quan trọng hơn nữa, là muối ướp tép phải là thứ muối lấy từ vùng biển Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Hạt trắng tinh, to, già, được nắng, không bị nước mưa, mang về đổ trên nền xi măng khô ráo, cho chảy hết chất nước đắng, sau đó cho vào vại cất vài năm trước khi đem ủ mắm. Cũng chính vì thế mà mắm tép Ba Làng không bao giờ có vị mặn chát, mà luôn giữ được vị ngọt đạm tự nhiên.
Mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống sẽ không dùng hóa chất bảo quản, mà dùng chính độ mặn của mắm để bảo quản, thời gian bảo quản từ 1-2 năm. Với hương vị ngửi qua thì thoảng nhẹ, để gần thì hương thơm đậm đà và nồng nàn khó quên. Với cách làm gia truyền, tạo được thương hiệu trên thị trường. Mắm tép Ba Làng, qua bàn tay khéo léo, sự tần tảo chịu thương chịu khó của những người thợ đã chiếm lĩnh được sự yêu mến của khách hàng cả trong và ngoài nước.
Mắm tép Ba Làng có mùi vị thơm ngon là sự kết hợp hài hoà giữa độ tươi ngon của tép, với vị mặn nồng vừa đủ của muối biển, sức nóng gây men của ánh nắng mặt trời xứ Thanh và những giọt mồ hôi mặn mòi của những người con vùng biển.